BÍ QUYẾT TỰ XUẤT BẢN SÁCH

BÍ QUYẾT TỰ XUẤT BẢN SÁCH

BÍ QUYẾT TỰ XUẤT BẢN SÁCH (Lê Phương Thanh – tác giả cuốn sách TÀI CHÍNH CÁ NHÂN CHO MẸ VIỆT)

🌻1. Xác định bạn viết sách về chủ đề gì, viết cho ai đọc?
– Viết về chủ đề gì?
Bí quyết viết sách bán chạy đó là bạn cần phải viết về một chủ đề mà nhiều người QUAN TÂM. Chủ đề càng “nóng”, thu hút sự chú ý thì cơ hội bán được nhiều sách càng tăng lên. Hơn nữa, để bán được sách ngay lần đầu “chào thị trường”, bạn cần tìm được “một khoảng trống” trong một “thị trường nóng”.
Tức là sao?
Giả sử chủ đề “Nuôi dạy con” chẳng hạn là một chủ đề được rất nhiều bố mẹ quan tâm, cũng vì vậy mà độ “cạnh tranh” rất lớn. Để có thể thành công, bạn cần phải “nổi bật” và tìm cho mình một lối đi riêng, một tiếng nói riêng, một góc nhìn riêng mà trên thị trường hiện tại CHƯA CÓ.
Quay trở lại với quyển sách của mình. Mình phát hiện ra rằng chủ đề về tài chính cá nhân (hay nói cách khác là chủ đề “Tiền”) không bao giờ “lỗi mốt” – ai mà không mong muốn có nhiều tiền ^^. Tuy nhiên, có một sự thật là khi tiếp cận về tiền (cách quản lý, cách chi tiêu, tiết kiệm hay thậm chí cách đầu tư) của chị em KHÁC BIỆT rất lớn với anh em. Trên thị trường sách, mình thấy rất ít quyển sách viết về tài chính cá nhân dành riêng cho chị em (đặc biệt dành cho các chị em có gia đình – khi mà vấn đề “tài chính” trở nên “phức tạp” hơn khá nhiều so với chị em độc thân). Nếu có thì đều là sách dịch từ nước ngoài (nội dung phần lớn “không liên quan”). Đó là lý do mình quyết định viết sách về chủ đề này.
– Viết cho ai đọc?
Bạn cũng cần xác định sách mình viết ra dành cho ai đọc? Xác định một cách “tương đối chính xác” độc giả của quyển sách sẽ cho phép bạn chọn văn phong (cách viết) phù hợp nhất, dễ kết nối với độc giả nhất (hay nói một cách “văn hoa” là tìm cách viết “chạm đến trái tim người đọc”).
Trường hợp với sách của mình, độc giả chủ yếu của quyển sách là những chị em phụ nữ trẻ (dưới 35 tuổi), mới lập gia đình, có con nhỏ (giống mình). Tại sao? Vì lúc này phần lớn chị em đều “gặp khó” trong việc quản lý tài chính, thu nhập của gia đình cũng còn khiêm tốn (còn trẻ nên phần lớn đều mới bắt đầu sự nghiệp), không biết cách chi tiêu/đầu tư phù hợp cho con cái, không có nhiều kiến thức về tài chính, đầu tư, … Mình sẽ chọn cách viết đơn giản, dễ hiểu, biến các kiến thức tài chính khô khan trở nên dễ tiếp cận, dễ áp dụng đồng thời sẽ lồng ghép các câu chuyện thực tế của bản thân mình để kết nối sâu hơn với người đọc.
🌻 2. Tìm tư liệu ở đâu để viết sách?
Viết một quyển sách không đơn giản như viết một bài blog hay một bài post trên Facebook cá nhân 1000 – 1500 từ. Thông thường một quyển sách dạng “non-fiction” (phi hư cấu) dao động từ 40.000 – 70.000 từ (không có quy định cụ thể về số từ), vì vậy, bạn cần có đủ tư liệu cần thiết giúp bạn tự tin hoàn thành quyển sách với nội dung tốt nhất có thể.
Cá nhân mình tìm tư liệu ở đâu để viết sách? Mình sẽ chia sẻ vài nguồn chính tại đây nhé!
Một, tham gia khóa học liên quan đến chủ đề quyển sách
Nếu bạn follow mình một thời gian, bạn chắc hẳn đã biết mình mới hoàn thành khóa học dành cho các chuyên gia giáo dục tài chính được chứng nhận (CFEI® – Certified Financial Education Instructor). Tại đây mình được đào tạo bài bản, tổng thể tất cả các khía cạnh về tài chính cá nhân.
Tất nhiên đây là khóa học mất tiền và bản thân mình đang theo đuổi sự nghiệp “giáo dục tài chính” nên đây là khoản đầu tư phù hợp với mình.
Trường hợp bạn không muốn đầu tư một khóa học trả tiền, bạn có thể đọc tiếp các nội dung sau để tìm tư liệu viết sách miễn phí.
Hai, tham gia các khóa học miễn phí trên Coursera
Dành cho bạn nào chưa biết đến Coursera thì đây là nền tảng giáo dục trực tuyến của Mỹ cung cấp nhiều khóa học hữu ích ở rất nhiều chủ đề được giảng dạy bởi các giáo sư, chuyên gia hàng đầu tại các trường Đại học ở Mỹ.
Tại Coursera có khóa học miễn phí và khóa học mất phí. Mình trước giờ chỉ học miễn phí trên Coursera và cảm thấy vô cùng bất ngờ khi thấy các khóa học vô cùng chất lượng (vượt xa nhiều khóa học trả tiền ngoài thị trường).
Hai khóa học về tài chính cá nhân mình đã từng học miễn phí trên Coursera đó là: “Personal & Family Financial Planning” và “Financial Planning for Young Adults”.
Ba, theo dõi các Kênh Youtube có liên quan
Youtube cũng là một tài nguyên miễn phí khổng lồ bạn không nên bỏ qua. Giả sử bạn viết về chủ đề “Quản lý thời gian” chẳng hạn, bạn có thể tìm các Video về “Time Management”, có rất nhiều Video cho bạn tham khảo.
Với đề tài “Tài chính cá nhân” mình viết thì khỏi phải bàn, trên Youtube có vô cùng nhiều Video/Kênh chất lượng chia sẻ về nội dung này.
Bốn, đọc báo hoặc blog/website
Tất nhiên bạn cũng có thể đọc cả báo Tiếng Anh và Tiếng Việt. Mình thì hơi lười đọc báo nước ngoài nên vẫn trung thành với cafef và mục tiêu dùng của afamily.
Mình tìm được khá nhiều bài báo có các câu chuyện/nội dung “hay ho” chia sẻ về cách chị em quản lý tài chính cá nhân/gia đình tại hai trang này và đây cũng là một nguồn tư liệu hết sức quý giá cho quyển sách của mình.
Tương tự, tùy vào chủ đề sách bạn viết, bạn có thể đọc thêm các bài viết có liên quan tại một số trang báo hoặc blog/website uy tín trong và ngoài nước.
Năm, đọc sách
“Sách được tạo ra từ những quyển sách”. Mình chắc chắn rằng tác giả sách nào (hoặc những người có ý định trở thành tác giả sách – như mình và bạn) đều là những người vô cùng mê sách.
Mẹo nhỏ cho bạn là trong quá trình viết quyển sách cho riêng mình, bạn hãy chọn đọc những quyển sách “best-seller” có chủ đề tương tự để tham khảo. Chọn đọc những quyển sách HAY thuộc chủ đề bạn định viết không chỉ mang đến cho bạn lượng kiến thức nhất định mà bạn còn có thể HỌC HỎI được rất nhiều từ văn phong, cách kể chuyện, cách bố cục sắp xếp, … Bạn biết đấy “Mọi thành công đều có lý do”. Không phải ngẫu nhiên mà một quyển sách lại trở thành “best-seller”.
Bạn có thể chọn đọc sách Tiếng Anh và Tiếng Việt. Do phần lớn các sách về tài chính cá nhân tại Việt Nam đều được dịch lại từ nước ngoài. Ngoài ra có rất nhiều quyển sách tài chính cá nhân nổi tiếng khác chưa được dịch sang Tiếng Việt. Bản thân mình có chút xíu khả năng đọc Tiếng Anh nên mình lựa chọn mua ebook (sách Kindle) qua Amazon. Giá mua sách Kindle đọc online khá “phải chăng”, không đắt đỏ gì (chỉ tương đương tiền mình mua sách giấy tại Việt Nam thôi) mà số lượng sách là “vô tận”. Đến thời điểm hiện tại, mình đã đọc đến gần 20 quyển sách các loại thuộc chủ đề “Personal Finance” trên Kindle/Amazon và sẽ còn đọc tiếp trong thời gian tới .
(Việc đọc sách bán chạy từ các tác giả khác cùng chủ đề không phải để sao chép ý tưởng, mục tiêu chỉ là học hỏi và tạo cảm hứng cho bản thân).
Sáu, bảy, tám, … bạn tự điền vào chỗ trống nhé …. Nguồn tìm tư liệu viết sách còn nhiều lắm mình không thể kể hết.
(Các tài nguyên phần lớn mình đều khai thác bằng Tiếng Anh – nhưng cũng không phải mình “siêu nhân” gì. Mình cũng chỉ đọc phụ đề kết hợp sử dụng công cụ Google dịch để giúp đỡ nếu không hiểu. Tìm tư liệu viết sách bằng Tiếng Anh cho phép bạn khai thác được các nguồn tư liệu nhiều và chất lượng mà ít người làm được – tức là tạo cho bạn (một tác giả sách) độ “cạnh tranh” nhất định).
🌻 3. Outline (bố cục) quyển sách
Trước khi bắt tay vào viết sách, bắt buộc bạn cần phải lên đề cương (bố cục). Hay nói đơn giản là bạn cần phải biết sách của bạn mở bài – thân bài – kết bài ra sao? Sách bạn viết có bao nhiêu Chương, nội dung mỗi Chương cụ thể là gì?
Một quyển sách “non-fiction” thông thường có từ 5 – 20 Chương, độ dài ngắn giữa các Chương không cố định.
Việc outline quyển sách trước khi viết là bắt buộc nhưng bạn cũng đừng quá “lo lắng”. Trong quá trình viết, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục điều chỉnh, sắp xếp các Chương sao cho hợp lý, dễ đọc, dễ hiểu nhất cho độc giả.
Ví dụ, ban đầu mình tách 2 Chương: “Tiết kiệm tiền” và “Đầu tư vào bản thân” riêng biệt. Khi bắt tay vào viết thật, mình nhận thấy nếu tách như vậy có nhiều nội dung trùng lặp nên quyết định gộp 2 Chương vào một.
🌻 4. Bắt tay vào viết sách!
– “Công cụ” viết sách?
Nhiều bạn thắc mắc nên sử dụng công cụ gì để viết sách? Thực ra mình không sử dụng phần mềm gì hoành tráng, đắt tiền gì cả. Hai công cụ mình sử dụng viết sách đều miễn phí và cực kỳ dễ sử dụng đó là “Phần Ghi chú” của Iphone và “File Word” trên laptop.
Trong quá trình hoàn thành bản thảo, đầu óc mình thường chỉ tập trung nghĩ về sách. Tất cả các ý tưởng đột nhiên “lóe lên” trong đầu hoặc tình cờ đọc được một nội dung quá sức “hay ho” có thể đưa vào sách, mình sẽ NGAY LẬP TỨC ghi vào phần GHI CHÚ trên điện thoại (nếu không ghi ngay chắc chắn mình sẽ quên – mẹ 2 con nên “não cá vàng” mà). Gần đây mình có phát hiện ra app Draft (cũng miễn phí) cho phép mình ghi chú trên điện thoại dễ dàng hơn, bạn có thể tham khảo app này nhé.
Công cụ duy nhất mình sử dụng để viết sách (hay viết bất kỳ thứ gì khác) đó là laptop + Word. Khi viết sách, mình cố gắng sắp xếp thời gian và không gian phù hợp nhất (tránh để hai bạn nhỏ nhà mình “phá rối”) để có thể TẬP TRUNG CAO ĐỘ vào việc viết. Mình thường “trốn chồng con” viết ở phòng nhỏ trên tầng 3 lúc chồng con đang ngủ (sáng sớm hoặc tối muộn). Tại sao lại như vậy? Vì chỉ khi tập trung, mình mới viết được NHANH VÀ CHẤT LƯỢNG nhất. Nếu tập trung mình thậm chí có thể hoàn thành 1 – 2 Chương sách (đến đến 10.000 từ) chỉ trong một buổi. Ngược lại, không tập trung thì viết vài trăm từ cũng không xong. Với các nội dung GHI CHÚ đã được mình đưa ra file Word bản thảo sách, mình sẽ xóa đi để tránh bị lặp.
– Vài “mẹo nhỏ” khi viết sách
Trong quá trình viết, đặc biệt nếu bạn là người theo chủ nghĩa “hoàn hảo” (mình cũng là một người như vậy), bạn sẽ luôn nhìn thấy “lỗi” ở phần bạn vừa viết xong và ngay lập tức quay lại tìm cách chỉnh sửa. Mình đã một vài lần như vậy và cảm thấy rất mất thời gian, suốt ngày chỉ lo “sửa lỗi” ảnh hưởng đến tiến độ viết. Sau này mình phát hiện ra rằng mình nên viết một mạch hết Chương (không quan tâm đến lỗi), sau khi hoàn thành sẽ quay trở lại chỉnh sửa các từ sai, các ý không cần thiết sau để đảm bảo mạch viết không bị gián đoạn.
Bạn nên tránh cách viết “lan man”, không đi vào ý chính. Khi bạn lựa chọn TỰ XUẤT BẢN SÁCH đồng nghĩa với việc bạn là người chịu trách nhiệm về chi phí phát hành sách. Sách nhiều chữ thì giá thành sẽ đẩy lên. Như vậy, cách tốt nhất là cùng một ý muốn truyền đạt, hãy tìm cách ngắn gọn, súc tích nhất (tất nhiên bạn cũng cần phải CÂN BẰNG vì đôi khi viết ngắn gọn quá lại khó “đi vào lòng người”).
Bạn cũng cần cố gắng làm sao cho quyển sách “dễ đọc” nhất. “Dễ đọc” nghĩa là sao? Tức là cho phép độc giả có những “khoảng nghỉ cho mắt” bằng cách thêm vào quyển sách các hình minh họa đơn giản, các chữ bôi đậm, các ô nhấn mạnh ý tác giả hay cho người đọc không gian để lại vài dòng ghi chú, …
Mình thường tìm hình ảnh minh họa trắng đen cho sách mình viết tại ứng dụng Canva. Nếu bạn không biết sử dụng Canva, đừng quá lo lắng, bạn chỉ cần lên mạng tìm kiếm các hình minh họa phù hợp, lưu lại và ghi chú cho công ty sách (phần làm việc với công ty sách mình sẽ chia sẻ ở bài viết sau), họ sẽ giúp bạn thiết kế quyển sách bắt mắt nhất, lôi cuốn nhất để thu hút người đọc ĐỌC HẾT QUYỂN SÁCH.
Quyển sách của bạn “dễ đọc” => người đọc đọc hết quyển sách và thấy hay => họ sẽ chia sẻ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp => tạo hiệu ứng “lan truyền” – “World of mouth” sẽ giúp quyển sách của bạn bán được nhiều bản hơn một cách hoàn toàn “tự nhiên”.
🌻 5. Đặt kỷ luật cho bản thân
Để hoàn thành quyển sách dài mấy chục nghìn từ là một điều vô cùng vất vả. Nhưng cũng không vì thế mà bạn nên “trì hoãn”, cho phép bản thân có thoải mái thời gian để hoàn thành 1st Draft.
Với mình, mình đặt ra kế hoạch cho bản thân phải hoàn thành Bản thảo đầu tiên trong vòng 3 tháng. Tất nhiên bản thảo đầu này không bao giờ hoàn hảo (bạn không nên kỳ vọng hoàn hảo ngay lần đầu). Trong quá trình biên tập, sẽ còn phải chỉnh sửa rất nhiều lần nữa (bạn có thể tìm thêm người góp ý cho mình sau khi hoàn thành 1stDraft). Ở bước này, mục tiêu trước mắt đơn giản là bằng mọi cách tập trung cao hết hết mức có thể hoàn thành cho xong bản thảo đầu tiên.
Sự thật là nếu bạn kéo dài thời gian viết sách đến 6 tháng hay 1 năm, khả năng cao quyển sách trong mơ của bạn, “đứa con tinh thần” của bạn sẽ không bao giờ có cơ hội được bước ra thị trường.
Để mục tiêu khả thi hơn, bạn có thể chia nhỏ mục tiêu theo tuần (ví dụ tuần này hoàn thành Chương 1, tuần sau hoàn thành Chương 2, … chẳng hạn). Mình biết phần lớn những nhà văn (hoặc những người đam mê viết lách như mình và bạn) thường làm việc “theo hứng”. Khi có cảm hứng thường viết rất nhanh. Kinh nghiệm của mình là tận dụng những lúc có cảm hứng “tranh thủ” viết càng nhiều càng tốt để giúp đẩy nhanh tiến độ.
Vậy là mình đã cùng bạn có trong tay Bản thảo đầu tiên của quyển sách đầu tiên và một vài bí quyết viết sách bán chạy vô cùng quý báu. Dừng lại ăn mừng chút xíu để chuẩn bị cho các bước tiếp theo (làm việc với công ty sách, biên tập, phát hành sách, bán sách,…) nhé.