GỢI Ý CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC CHO TRẺ 3-5 TUỔI

GỢI Ý CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC CHO TRẺ 3-5 TUỔI

GỢI Ý CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC CHO TRẺ 3-5 TUỔI
Khi con bắt đầu tập nói những câu đầu tiên rồi dần dần chuyển sang nói những đoạn ngắn, bố mẹ sẽ được chứng kiến những cột mốc phát triển thú vị trong hành trình tập đọc của con. Con dần nhận ra các dòng chữ trên đường phố, trên các biển báo dừng, biển hiệu các cửa hàng quen thuộc và địa chỉ nhà mình.
Hầu hết trẻ mẫu giáo sẽ nhớ tên những cuốn sách yêu thích của mình; cầm sách đúng cách và biết lật trang; nhớ lại những từ và cụm từ quen thuộc trong cuốn sách yêu thích, giả vờ đọc sách; nhận biết được sự khác biệt giữa một đường ngoằn ngoèo ngẫu nhiên và một chữ cái hoặc số. Một số bạn nhỏ còn có thể nhận biết và viết một số chữ cái và số; gọi tên các chữ cái đầu của một số từ nhất định, tạo nên các vần điệu hoặc các cụm từ ngộ nghĩnh. Một số ít nữa thậm chí còn có thể dự đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo trong một câu chuyện, đọc và viết tên của mình và một số từ quen thuộc, kể lại những câu chuyện mà mình biết.
Vậy bố mẹ có thể làm gì để hỗ trợ con phát triển kỹ năng đọc?
1. Trò chuyện, giới thiệu về chữ cái và chữ viết
Một môi trường giàu chữ viết cho trẻ mẫu giáo sẽ đặt nền móng vững chắc cho việc tập đọc của trẻ sau này. Nó không chỉ là việc bố mẹ bày biện nhiều sách trong nhà, mà còn là việc trò chuyện về các chữ cái, con số và chữ viết trên các loại bao bì và biển báo. Bố mẹ hãy chỉ ra cho con thấy chữ viết là một phần trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, vd chỉ vào tên của loại ngũ cốc yêu thích của con, cho con xem nhãn mác trên quần áo hay những dòng chữ trên các tấm thiệp sinh nhật hoặc thiệp mời.
Khi bạn ra ngoài, hãy cùng con chơi các trò chơi liên quan đến việc nhận dạng chữ cái và chữ số. Hãy thử xem con bạn có thể gọi tên bất kỳ chữ cái nào trong bảng hiệu ở siêu thị không? Con có thể đọc chữ số ghi trên gói bim bim không? Bé sẽ rất vui khi hiểu thêm về thế giới của mình, nhưng bố mẹ cũng đừng thúc ép con quá nhé vì phát triển nhận thức về chữ viết không thể là một việc có thể diễn ra chóng vánh được.
2. Vui với những chữ cái
Trẻ rất thích chép các từ ra giấy. Hãy viết tên của con và để trẻ tự sao chép tên đó bằng cách ghép các thẻ chữ cái, stickers hoặc thẻ nam châm. Hãy khuyến khích con “viết” những từ của riêng mình bằng cách sử dụng các chữ cái. Rất có thể con sẽ viết ngược các chữ cái, đánh vần sai và cầm bút một cách thật hài hước, nhưng ở độ tuổi này đó là những dấu hiệu “hoàn toàn tốt” khi trẻ muốn giao tiếp bằng văn bản dưới bất kỳ hình thức nào.
3. Tìm từ bắt đầu bằng chữ cái…
Kết nối chữ cái và âm thanh là một trong những bước đầu tiên để học đọc. Hãy chơi một trò chơi đoán những từ yêu thích của con bạn. VD “p-p-p-pig” bắt đầu bằng chữ cái nào? Còn “M-m-mẹ” thì sao? Sau khi con bạn đoán đúng một từ, hãy đố con tìn thật nhiều từ bắt đầu bằng cùng một chữ cái ấy.
4. Đem các chữ cái ra ngoài trang sách
Trẻ em rất thích sờ, chạm vào mọi thứ nên rất nhiều trường mầm non khuyến khích trẻ tạo các chữ cái từ đất nặn hoặc vẽ chúng trên cát hoặc đất sét. Lần tới khi bạn ra ngoài công viên, trên bãi biển hoặc trên nền đất, hãy cùng nhau viết chữ trên đất hoặc cát… chắc chắn bé sẽ rất hứng thú với hoạt động này.
5. Đọc sách theo một cách khác
Đọc sách cho con bạn nghe là điều tuyệt vời, nhưng điều tuyệt vời hơn nữa chính là đọc và “đối thoại”. Đó là khi bạn yêu cầu con bạn tham gia vào câu chuyện cùng với mình. Trước khi lật sang trang sách mới, hãy hỏi con điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Bạn cũng có thể hỏi con có muốn sáng tạo một kết thúc khác cho câu chuyện không. Ví dụ, với cuốn sách cổ điển Corduroy, điều gì sẽ xảy ra nếu cô bé không quay lại để mang Corduroy từ cửa hàng đồ chơi về nhà?
6. Mời con làm tác giả sách
Trẻ ba tuổi có thể sẽ nói rất nhiều, vây nên bố mẹ hãy tận dụng sở thích nói chuyện của con bạn bằng cách cùng nhau viết một cuốn sách. Bắt đầu bằng một cái gì đó đơn giản, chẳng hạn như mô tả một ngày vui vẻ ở công viên hoặc chuyến đi chơi với bạn bè của con. Dập ghim vài mảnh giấy lại với nhau và viết ra một hoặc hai câu theo ý của con trên mỗi trang giấy. Sau đó, đọc “câu chuyện” cho con nghe và hãy để con làm động tác minh họa cho câu chuyện.

Nguồn: Scholastic