SỰ KHÁC BIỆT GIỮA RGB VÀ CMYK TRONG THIẾT KẾ VÀ IN ẤN
Có rất nhiều bạn gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa 2 hệ màu là RGB và CMYK, đặc biệt là với những bạn không chuyên hoặc mới tiếp xúc, học tập thiết kế. Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về công dụng, ý nghĩa cũng như sự khác biệt giữa RGB và CMYK trong thiết kế và in ấn.
Nếu bạn đang thiết kế, làm đồ họa, hình ảnh, video trên bất cứ một công cụ nào thì việc làm quen với RGB và CMYK là điều vô cùng cần thiết, đây cũng là 2 hệ màu khá quen thuộc mà người dùng thường dễ bắt gặp nhất. Tuy vậy cũng có rất nhiều bạn gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa 2 hệ màu là RGB và CMYK, đặc biệt là với những bạn không chuyên hoặc mới tiếp xúc, học tập thiết kế. Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về công dụng, ý nghĩa cũng như sự khác biệt giữa RGB và CMYK trong thiết kế và in ấn.
1. RGB là gì?
RGB là viết tắt của 3 màu cơ bản là Red (R), Green (G), Blue (B) và là 3 màu chính của ánh sáng trắng sau khi được tách ra bởi lăng kính. Đây cũng là 3 màu được công nhận rộng rãi là 3 màu chính. Khi kết hợp 3 màu này lại với nhau theo tỷ lệ 1 : 1 : 1, bạn sẽ được màu trắng gốc. Màu trắng này dù có độ sáng sau khi kết hợp lại cao, nhưng có giá trị màu sắc bằng 0. Ngược lại, màu đen là màu không phản chiếu ánh sáng, hoặc phản chiếu không đủ ánh sáng vào mắt chúng ta. Do đó trong khoa học, người ta quan niệm “màu đen” không phải là một loại màu sắc.
Mô hình màu RGB sử dụng mô hình bổ sung trong đó ánh sáng đỏ, xanh lục và xanh lam được tổ hợp với nhau theo nhiều phương thức, tỷ lệ khác nhau để tạo thành các màu khác nhau. Từ năm 1953, mô hình màu RGB được xem là tiêu chuẩn biểu thị màu trên các thiết bị truyền thông kỹ thuật số như truyền hình hay sau này là các Website và trên Internet,… Về cơ bản, các pixel trên TV hoặc màn hình máy tính tạo ra các pixel nhỏ, nếu nhìn dưới kính lúp, bạn sẽ thấy được đây là một tập hợp rất nhiều 3 màu cơ bản đó. Ánh sáng được chiếu xuyên qua chúng, pha trộn màu sắc trên võng mạc của mắt để tạo ra màu sắc mong muốn.
2. CMYK là gì?
Khác với RGB, CMYK được viết tắt của 4 màu cơ bản sử dụng cho các công cụ in là Cyan, Magenta, Yellow, Key (Black). 3 màu Cyan, Magenta và Yellow (CMY) được gọi là 3 màu cơ bản của máy in. Điều đặc biệt của 3 màu CMY là khi chúng kết hợp với nhau theo tỉ lệ 1 : 1 : 1 lại cho ra màu đen, bởi vậy một số lại máy in có hộp mực sử dụng 3 màu CMY vẫn có thể tạo ra được đầy đủ màu sắc khi in trên giấy. Tuy vậy thì việc này lại làm phát sinh vấn đề là nếu bức ảnh được in có quá nhiều màu đen thì việc tạo ra chúng sẽ tốn một lượng lớn mực của 3 màu CMY, bởi vậy các nhà thiết kế đã đưa thêm màu đen (Black) hay còn gọi là Keyline hoặc Key vào hệ thống 3 màu của máy in với mục đích tiết kiệm mực cho 3 màu cơ bản còn lại.
CMYK là mô hình màu trừ ngược lại hoàn toàn so với màu cộng của RGB. Điều này hơi phức tạp hơn so với RGB, nguyên lý làm việc của CMYK là trên cơ sở hấp thụ ánh sáng. Những màu sắc mà người ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ. Do đó thay vì thêm độ sáng để có những màu sắc khác nhau, CMYK sẽ loại trừ ánh sáng đi từ ánh sáng gốc là màu trắng để tạo ra các màu sắc khác.
3. Sự khác biệt giữa RGB và CMYK trong thiết kế và in ấn
Như đã đề cập ở trên thì RGB và CMYK khác biệt rõ ràng nhất ở mục đích sử dụng. Đây cũng là điều tối thiểu cần biết với bất kỳ ai đang làm trong lĩnh vực thiết kế, đồ họa. Với các thiết kế Digital được trình bày trên màn hình, máy chiếu, trên Web thì bạn cần chọn lựa màu RGB, RGB sẽ làm việc tốt với các thiết bị phát quang sử dụng ánh sáng trắng làm cơ sở.
Còn nếu để phục vụ cho mục đích in ấn thì CMYK là một lựa chọn tối ưu hơn hẳn. Màu CMYK sẽ không bao gồm màu trắng bởi vì nó giả định rằng bạn sẽ in ấn sản phẩm của mình lên một tờ giấy trắng nào đó. Sự khác biệt này thể hiện khá rõ ở những tấm Poster, cuốn catalogue, Sách, brochure…
Ngoài ra, các bạn cũng cần lưu ý là gam màu RGB rộng hơn nhiều so với gam màu CMYK. Điều này có nghĩa là với RGB, bạn có thể tạo ra các màu sáng hơn, bão hòa hơn so với CMYK. Nếu bạn đang làm việc với hệ màu RGB, bạn có thể kiểm tra hình ảnh sẽ trông như thế nào khi được chuyển đổi thành CMYK bằng cách chọn View> Proof Colors hoặc sử dụng phím tắt Command Y (Mac) / Ctrl Y (Windows). Các bạn có thể thấy rõ sự khác biệt ở những thiết kế, bức ảnh có màu sắc sặc sỡ, RGB diễn đạt tốt hơn khá nhiều và cũng không làm cho bức hình trông quá buồn tẻ khi so với CMYK. Vì vậy, nếu bạn đang làm việc để in, bạn nên chắc chắn rằng mình đã điều chỉnh màu sắc để tránh sự thất vọng sau khi in.
Trên thực tế, không có một hệ màu nào là hoàn hảo (thực tế là không có một hệ màu nào có thể tái tạo tất cả các màu có sẵn trong tự nhiên), kể cả RGB và CMYK. Tuy vậy thì RGB và CMYK được đánh giá cao vì chúng khá tốt và hoàn thiện cho các mục đích sử dụng của người dùng cũng như đủ tốt để trông thực tế và làm hài lòng người dùng. Trong thiết kế, bạn thực sự có thể không cần phải biết tất cả các công cụ kỹ thuật, cũng như những định nghĩa phối màu phức tạp của RGB và CMYK, nhưng để trở thành một Designer chuyên nghiệp thì điều đầu tiên bạn cần phải nắm vững là sự khác biệt giữa RGB và CMYK trong thiết kế và in ấn.
(Nguồn: kienthucinan.com)
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA RGB VÀ CMYK TRONG THIẾT KẾ VÀ IN ẤN