1. Thông tin chung
Tên sách: Tuổi thơ của cha – lê la kể chuyện
Tác giả: Tun Nguyễn
Thể loại: Truyện kể cho bé
Số trang: 175
Giá bìa: 99.000 VNĐ
2. Giới thiệu tác giả
Tun Nguyễn: “Tôi không phải là một ông bố hoàn hảo, không phải là một chuyên gia làm cha mẹ. Tôi chỉ là một người đã học được các bài học cuộc sống giá trị từ chính gia đình mình. Và giờ đây tôi đang trong hành trình “học làm bố”, và đồng hành cùng con của mình.”
3. Giới thiệu nội dung
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, đôi khi thật khó để ta có thể được ngồi lại, tâm tình thủ thỉ cùng ông bà, cha mẹ về những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” – những ngày mà đất nước mình còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng luôn đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương. Hoặc ngay cả khi đã làm cha, làm mẹ, ta vẫn còn chần chừ e ngại rằng chuyện tuổi thơ của mình liệu bọn nhỏ có thấy nhàm chán bởi thời nay con trẻ thường thích mê các thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng…) với những trò chơi đầy lôi cuốn. Vậy thì, chào mừng bạn đến với thế giới tuổi thơ của Tun Nguyễn trong cuốn sách “Tuổi thơ của cha”.
Xuất phát từ lời tự hứa của bản thân dành cho con cùng mong muốn được kể cho con nghe về tuổi thơ của mình, Tun Nguyễn đã lấp đầy “Tuổi thơ của cha” với những kỷ niệm ấm áp thời thơ ấu. Và biết đâu đó, bạn sẽ bắt gặp tuổi thơ của mình trong đó – tuổi thơ của những đứa trẻ 7X, 8X không có gì ngoài nghèo khó nhưng vui vẻ.
175 trang sách như những thước phim quay chậm sẽ từng bước đưa bạn đọc bước vào thế giới tuổi thơ của tác giả. Từ nơi sinh ra, những đổi thay trong công việc của cha mẹ, những ước mơ, những niềm vui cho đến những lần chép phạt, “start-up” bán đủ thứ (bán vở, bán gà, bánh bánh…) và cả những tình huống “dở khóc dở cười” hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc những phút giây thư giãn sau một ngày làm việc vất vả.
Không chỉ vậy, các bài học cuộc sống cũng được tác giả truyền tải một cách chân phương, mộc mạc mà chân thành qua từng câu chuyện của bản thân nhằm gửi đến chính mình và gửi đến cho con như “Trong hoàn cảnh nào thì những giá trị cốt lõi nhất vẫn xuất phát một cách tự nhiên từ tình cảm giữa mọi người”, “Trí tưởng tượng, sự sáng tạo thì không phụ thuộc độ tuổi”, “Luôn luôn nghĩ cách để làm mọi việc tốt hơn”, “Làm việc gì cũng cần tính toán trước sau nhưng đôi khi biết chấp nhận thất bại đã là một thành công”, “Người có ước mơ sẽ là người hạnh phúc”, “Món quà quý giá nhất là món quà đến từ tình yêu thương” hay “Bố mẹ luôn yêu thương, bảo vệ con cái vô điều kiện dù đôi khi cách thể hiện có thể hơi khác nhau”, và còn rất nhiều bài học ý nghĩa khác đang chờ bạn đọc khám phá.
Dù bạn là 7X, 8X, 9X hay 10X, “Tuổi thơ của cha” hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn chuyến du hành vượt thời gian trở về thời thơ ấu để “sống lại”, để hòa mình, để cảm thông, để được yêu thương và để sẻ chia…
4. Đoạn trích
“Thế hệ ông bà nội con, mỗi làng chỉ có vài trăm nóc nhà chứ nhà cửa chưa san sát, không có nhiều tòa nhà chung cư cao chọc trời như bây giờ. Hơn nữa khi đó phương tiện truyền thông cũng hạn chế nên người trong làng biết nhau hết, thậm chí người làng nọ cũng biết người làng bên. Cũng bởi vậy mà ông bà nội con mới có dịp quen biết nhau và hai quê mới sát cạnh như vậy.
Thời ông bà con, mọi người trong làng quan tâm, giúp đỡ nhau nhiều. Khái niệm tình làng nghĩa xóm được thể hiện rõ lắm. Đến thời của bố, tình cảm hàng xóm láng giềng cũng vẫn phần nào được duy trì, không giống với cuộc sống hiện đại bây giờ. Khi các chung cư cao tầng mọc lên, đường phố được sửa sang mở rộng hơn, mọi người cũng từ nhiều nơi chuyển đến, vậy nên mới có trường hợp hai nhà ở sát cạnh nhau mà không biết tên nhau đấy con.
Nhưng có lẽ thời nào cũng vậy thôi, sẵn sàng mở lòng, sống chan hòa, nhiệt tình giúp đỡ mọi người mà không mưu cầu nhận lại luôn là những điều mà chúng ta cần phải duy trì ngay cả khi cuộc sống hiện đại có nhiều bộn bề, nhiều mối quan tâm hơn xưa phải không con? ”
“Nói về rang lạc, món lạc rang của cụ là cả một nghệ thuật đó. Cụ thường rang nhỏ lửa, đến khi lạc tái tái thì cụ đổ vào một bát nước muối cho ngập rồi kiên nhẫn ngồi đảo. Đến khi cạn nước cụ lại đổ bát nữa, nhìn cụ rang lạc mà sốt ruột vì lâu. Nhưng khi xong thì lạc cực ngon nhé. Mỗi tội mặn không thể tưởng được. Tuy mặn thế mà bố vẫn ra xin cụ suốt, ăn xong lại uống nước, uống xong lại ra xin cho đến khi bát lạc sạch bách.
Cụ nội của con mất vào một ngày cuối năm khi bố lên bảy tuổi. Những kỷ niệm về cụ không nhiều nhưng bố luôn nhớ kỹ.
Bố thấy rằng những ký ức tuổi thơ dù ít hay nhiều, dù vụn vặt hay không đều thật đẹp. Rồi sau này lớn lên con sẽ thấy, đôi khi nhớ lại những kỷ niệm đó, chỉ cần thoáng qua cũng khiến cho bản thân mình mỉm cười và vui lên trong chốc lát. Đừng bỏ qua bất kỳ kỷ niệm nào con nhé.”
“Bố nhận được nhiều quà lắm, các bạn sang chơi, bạn thì tặng vở, bạn thì tặng hẳn một cái bánh ga tô hình con chó. Nhưng món quà sinh nhật năm đó bố nhớ nhất lại là hai cuốn truyện cũ bà nội tặng. Bà nội có mua cho bố hai cuốn truyện từ một người buôn đồng nát. Một cuốn tên là Bà ngoại, một cuốn lâu quá rồi bố không còn nhớ tên chính xác nữa, hình như tên là Chiếc áo của cha. Bố chỉ nhớ rằng hai câu chuyện ấy đọc rất cảm động. Dường như đó là món quà quý nhất lúc bấy giờ với bố. Nhưng sau vài lần dọn nhà, bố bị thất lạc mất hai cuốn này, tiếc ngẩn ngơ mãi mà không làm được gì… Con thấy không đôi khi món quà quý giá nhất lại không phải là món quà đắt tiền nhất đâu.”