Văn chương là một thứ thật là huyền ảo kỳ lạ, không thể trong một vài câu nói mà khiến chân tướng của nó triển hiện ra được. Nó theo ta suốt cuộc đời, nó ngấm vào hồn ta từ khi nào và như thế nào cũng không ai biết. Một bộ dã sử trường thiên là văn, mà một câu nói giản dị như: “lùi một bước, biển rộng trời cao” cũng là văn. Một câu hát ru à ơi khi người ta mới chào đời là văn; khi vinh hiển nở mày nở mặt, lời nói cho thiên hạ nghe là diễn văn; mà lúc lìa đời hồn về nơi chín suối, lời chia tay của người ở lại gọi là điếu văn. Trong từng cử chỉ ngôn hành, người có hàm lượng chữ văn nhiều được gọi là có văn hóa, người có hàm lượng chữ văn ít lại bị coi là thiếu văn hóa, cũng là do chữ văn mà định ra.
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc ta, năng lực văn chương thi phú vẫn luôn là thước đo phẩm chất trí tuệ của con người, và là con đường quang minh chính đại nhất để tiến thân trên con đường quan lộ, vinh hoa phú quý. Thế nhưng mới chỉ vài chục năm trở lại đây, văn chương thi phú bị xem như một môn học phù phiếm, không có mấy ai đặt công phu để học hành một cách nghiêm túc và nó dường như không phải là điều cốt yếu quyết định sự thành danh của người ta. Ngày nay những người ở nơi chức trọng quyền môn không nhất định là giỏi môn văn và không nhất định có nhiều hàm lượng chữ văn trong từng lời ăn tiếng nói của họ. Quả là thực hư lẫn lộn.
Nếu vậy không có văn thì đã làm sao? Không có văn thì người thông minh được gọi là ranh mãnh, tệ hơn nữa thì gọi là lưu manh; người giàu thì chỉ được gọi là phú ông thôi; phú ông mà không có văn thì không thể trở thành quý nhân để người đời kính nể được; những món đồ dùng trang phục đắt tiền không làm nên sự tôn quý của con người. Những thứ được gọi là thô thiển tầm phào cũng là bởi vì không có văn. Con người mà không có văn thì hành vi cẩu thả bừa bãi; gia đình không có văn thì nền nếp tuềnh toàng, ngôn từ suồng sã; quốc gia mà không có văn thì cảnh trí xác xơ, tiền đồ vô vọng. Vậy rốt cuộc văn chương là gì và làm sao có thể học và viết văn hay cho được? Có ý kiến cho rằng: “Học văn sao mà khó quá. Bây giờ học môn văn mà viết ra suy nghĩ lý luận thật từ trong tâm mình thì không được điểm cao. Mà muốn được điểm cao chỉ có một cách: học thuộc lòng bài văn mẫu. Nếu vậy thì đó là môn học thuộc lòng rồi, đâu phải môn văn.”
Thực ra suy cho cùng cũng đều là tùy duyên mà thôi. Văn chương chân chính, tưởng khó mà không khó. Người nào nắm được điều cốt yếu của văn chương thì sẽ phát hiện ra rằng cái huyền ảo kỳ lạ của văn chương thực sự là kỳ thú khôn tả xiết, càng làm văn càng hay, càng làm càng say mê. Đôi khi chỉ đôi ba câu thơ mà trong một chốc lát làm được những điều mà một họa sỹ tài ba phải mất rất nhiều công phu cũng không làm được. Ví dụ như một bức tranh phong cảnh đẹp như thế này mà tả bằng thi ca thì chỉ trong bốn câu, năm chữ là xong:
“Kìa xem một đôi ngỗng
Ngửa mặt trông trời thanh
Lông trắng phơi nước biếc
Chân hồng rẽ sóng xanh”.
Một họa sỹ tài ba mà tái hiện được toàn vẹn ý cảnh như trên thì phải mất bao nhiêu lâu. Họa sỹ thì có thể tái hiện được cái trầm bổng của ca từ hay không. Hơn nữa bốn câu thơ trên có thể lập tức truyền tải được cho vô số người cùng lúc đều thưởng thức được. Tranh vẽ thì không thể làm được như vậy. Người không nắm được điều cốt yếu thì sẽ thấy văn chương như một chốn u minh, không khác nào đi đêm ở trong rừng.
Tôi thấy một số người không nhận ra chân tướng thật sự của môn văn nên lỡ mất cơ duyên phúc lành; cũng có những người thành tâm muốn học văn chương một cách nghiêm túc mà bị lạc lối, hao tổn rất nhiều công phu mà không gặt hái được thành quả gì. Vậy nên tôi mạnh dạn viết ra đây chút nhận thức sơ sài của mình, hy vọng rằng một vài bạn đọc hữu duyên sẽ tìm thấy trong đó đôi ba điều bổ ích. Ít nhất bạn có thể nhận ra chân tướng thật sự của văn chương mà sẽ cân nhắc lại, đặt việc học văn và viết văn ở một vị trí xứng đáng hơn. Thứ hai, nếu các bạn có điều gì đó không hài lòng với việc học văn của mình, vậy thì tôi mời bạn tham khảo phương pháp lý luận và lập dàn ý mà tôi đề xuất ở đây. Có thể việc học và viết văn của các bạn sẽ đột phá, tinh tấn; đạt đến được một cái đích chân chính và gặt hái được những thành quả có ý nghĩa.
Học văn Yếu chỉ